Ngày 27-7 hằng năm cũng là dịp thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, nhắc nhở mỗi chúng ta về truyền thống yêu nước, về lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm phải sống, lao động, học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước.
Thấm nhuần đạo nghĩa đó, ngoài công tác ưu tiên tuyển dụng đối tượng là thân nhân Thương binh – Liệt sĩ, hàng năm, vào dịp này, Đảng bộ, ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty TNHH NatSteelVina đều tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa trong công tác thăm hỏi, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, mà thân nhân đang làm việc tại Công ty. Bên cạnh đó, Đảng ủy, Công đoàn và các cấp chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đối với toàn bộ người lao động, đặc biệt là những công đoàn viên, người lao động là thân nhân Thương binh – Liệt sĩ tiếp tục trau dồi bản lĩnh chính trị, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, để bản thân họ được kế thừa, phát huy những phẩm chất đã được những thế hệ đi trước truyền lại, xứng đáng với những hy sinh, mất mát của những người thân yêu của mình cho nền độc lập dân tộc, hòa bình cho nước nhà.
CĐV Đào Thị Mai, Ủy viên BCH Công đoàn Công ty, phụ trách nhân sự, ở cương vị nào cũng tận tụy vì công việc
Nối tiếp truyền thống gia đình, những công đoàn viên, người lao động là thân nhân Thương binh – Liệt sĩ đang làm việc tại NatSteelVina đã có nhiều cố gắng trong việc nâng cao trình độ tay nghề, rèn luyện bản lĩnh chính trị và được bạn bè, đồng nghiệp ghi nhận. Đó là công đoàn viên Bùi Ngọc Tuệ thuộc Công đoàn bộ phận cơ, vừa là cán bộ công đoàn gương mẫu, vừa là một công nhân bảo dưỡng sửa chữa cơ với nhiều sáng kiến. Tiếp đó là công đoàn viên Phùng Đức Lâm với tuổi nghề, tuổi đời gắn bó với công ty ngay từ ngày đầu thành lập, luôn là tấm gương hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho những công nhân mới vào nghề. Không thể không kể tới là công đoàn viên Đào Thị Mai, Ủy viên ban chấp hành Công đoàn, phụ trách nhân sự, ở cương vị nào chị cũng tận tụy vì công việc… Với những nỗ lực miệt mài, Công ty đã có 3 người lao động là thân nhân Thương binh – Liệt Sĩ được đứng vào hàng ngũ của Đảng; 1 người đang hoàn thiện công tác kết nạp trong năm 2023. Và tất cả đều là Công đoàn viên người lao động hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
CĐV Phùng Đức Lâm với tuổi nghề, tuổi đời gắn bó với công ty ngay từ ngày đầu thành lập
Bùi Ngọc Tuệ thuộc Công đoàn bộ phận cơ, vừa là cán bộ công đoàn gương mẫu, vừa là một công nhân bảo dưỡng sửa chữa cơ với nhiều sáng kiến
Những thế hệ trước đã hy sinh xương máu của mình cho đất nước hôm nay được hòa bình, độc lập. Những thế hệ hôm nay tiếp nối bước truyền thống đó để tiếp tục xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp hơn, bằng chính những hành động thiết thực trong thi đua lao động, sản xuất, phát huy sáng kiến tiết kiệm, cùng với tập thể người lao động Công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2023, lấy thành tích trào mừng kỷ niệm 30 ngày thành lập Công ty 02/11/1993 - 02/11/2023.
Việt Cường
Lịch sử ra đời của Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Ngày Thương binh – Liệt sĩ được bắt nguồn từ xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây, ngày 27-7-1947, đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch chọn một ngày trong năm làm ngày "Thương binh”. Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại đây, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm, vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Từ tháng 7-1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW ngày 8-7-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh-Liệt sĩ của cả nước.
Cho đến nay, trên toàn quốc có khoảng 9 triệu người có công, trong đó, người hoạt động cách mạng trước ngày 01-01-1945: gần 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01-01-1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sỹ: gần 1,2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế: gần 4,1 triệu người. Hiện cả nước có trên 1,4 triệu người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; qua rà soát, người có công đã được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước.[1]
Khắc ghi, đền đáp công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy[2]
[1]. Ban Tuyên giáo Trung ương, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), Tạp chí Ban Tuyên giáo Trung ương, 07/6/2017.
[2] GS.TS. Tô Lâm, Đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng (2017), Nhân dân - Cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam- Tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, 27/7/2022.