Bài 3: Thành lập nhà máy cán thép NatSteelVina - liên doanh đầu tiên về sản xuất thép giữa Việt Nam và Singapore: Ký ức người trong cuộc
(Bài viết ghi lại chia sẻ của ông Đinh Huy Tam, cố Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam)
Tháng 2 năm 1990, tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Võ Văn Kiệt và ông Lý Quang Diệu đã gặp nhau và đề nghị hai bên cùng hướng đến tương lai, gác lại quá khứ. Không hề hoa mỹ, ông Lý Quang Diệu đã đáp lại chân tình của Việt Nam. Tiếp đó, vào khoảng giữa năm 1991, theo ý kiến của nguyên Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu về cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Nhiều đoàn doanh nghiệp Singapore đã sang làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Một trong các thành viên đoàn các doanh nghiệp Singapore thời đó có ông Richard Fearon tuy là người Mỹ nhưng ông đang làm cố vấn đầu tư và là Giám đốc đầu tư của Tập đoàn NatSteel đã đến thăm và làm việc với Tổng công ty Thép Việt Nam. Khi về nước, ông đã báo cáo lại tình hình và sau đó Tập đoàn NatSteel- Singapore đã mời Tổng công ty Thép Việt Nam sang Singapore làm việc với Tập đoàn NatSteel.
Chuyến thăm Singapore đầu tiên của phái đoàn Việt Nam gồm có: ông Ngô Huy Phan – Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam; ông Dương Khánh Lâm – Tổng giám đốc Công ty Gang Thép Thái Nguyên; ông Trần Ngọc Anh - Phụ trách Liên doanh Bộ Công nghiệp và tôi, khi đó là cán bộ vụ quan hệ quốc tế Bộ Công nghiệp.
Ông Đinh Huy Tam - cố Tổng thư ký hiệp hội Thép Việt Nam trong một lần đến thăm Công ty TNHH NatSteelVina năm 2020.
Trong chuyến đi, chúng tôi đã thăm quan nhà máy cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mà Tập đoàn NatSteel đang đầu tư. Do trong nước lúc đó đang thiếu trầm trọng thép cho ngành xây dựng, đoàn đã đề nghị mua và được lãnh đạo Tập đoàn NatSteel đồng ý bán cho 3000 tấn thép. Số thép này được đem về phân phối tại hệ thống của Tổng công ty Thép Việt Nam và đã phát huy hiệu quả.
Ở một khía cạnh khác, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực năm 1987, đã có rất nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát thị trường Việt Nam, đặc biệt là các đoàn thuộc các nước khối ASEAN (ngày 28/7/1995 Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN). Ngoài đoàn Singapore như đã nói ở trên, thì đầu năm 1992 có đoàn chuyên gia sản xuất thép do Chủ tịch Công ty thép nhà nước Malaysia Pervaja - ông Eric Chia (sau này được biết là tỉ phú và là bạn thân của Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad) dẫn đầu sang Việt Nam tìm hiểu ngành Thép Việt Nam và bàn khả năng hợp tác với ngành Thép Việt Nam. Trong các buổi làm việc, ông Eric Chia đã nhiều lần ngỏ lời mời tới lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam sang thăm Malaysia và tha thiết mong muốn được đầu tư tại Việt Nam. Đáp lại lời mời từ phía bạn. Tổng công ty Thép Việt Nam cử đoàn sang Malaysia làm việc gồm có ông Ngô Huy Phan - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam làm trưởng đoàn, ông Phạm Chí Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, ông Dương Khánh Lâm -Tổng Giám đốc nhà máy Gang Thép Thái Nguyên (lúc đó là Xí nghiệp Liên hợp Gang thép Thái Nguyên), ông Trần Ngọc Anh - Kỹ sư Phụ Trách Liên doanh – Bộ Công nghiệp, ông Vũ Quốc Tuấn - Trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Tôi cũng có mặt trong đoàn công tác này.
Khi sang làm việc, phía Malaysia rất muốn hợp tác xây dựng nhà máy thép tại Việt Nam. Sau khi tham quan, bàn thảo thực tế xong, về phía Việt Nam vẫn lưỡng lự và băn khoăn với các điều kiện từ phía Malaysia nên chưa quyết. Ông Ngô Huy Phan, ông Dương Khánh Lâm, ông Trần Ngọc Anh và tôi tiếp tục sang Singapore theo đề nghị của ông Lương Văn Tự là đại diện Thương mại Việt Nam ở Singapore.
Do là lần thứ 2 sang thăm Tập đoàn NatSteel, nên chúng tôi tập trung nghiên cứu kỹ hơn công các quản trị, quản lý điều hành. Nhận thấy NatSteel là một tập đoàn đáng tin cậy, bên cạnh đó có nhiều điểm phù hợp, đáng để học tập để xây dựng liên doanh, hơn nữa nguồn cung thép cho phát triển đất nước đang thiếu trầm trọng. Việc cấp bách là sớm thành lập thêm nhà máy sản xuất thép mới. Chính vì lẽ đó, hai bên bản thảo ký một dự thư, như là một bản ghi nhớ. Đó chính là khởi dầu cho sự hợp tác giữa Tổng công ty Thép Việt Nam với Tập đoàn NatSteel Singapore. Việc ký bản ghi nhớ với Tập đoàn Thép NatSteel-Singapore là điều rất tốt cho phía Việt Nam nhưng lại là cú sốc lớn cho phía Malaysia. Được biết, sau khi biết tin phía Malaysia đã gửi một bức thư với lời lẽ rất nặng nề về việc này.
Từ đó 2 bên Việt- Sing liên tục cử các đoàn sang thăm quan, khảo sát và lập các báo cáo khả thi. Năm 1993 báo cáo khả thi hoàn thành và được 2 bên ký duyệt, xin cấp phép đầu tư. Đến tháng 11 năm 1993, nhận được Giấy phép Số 711/GP ngày 02 tháng 11 năm 1993 của Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư với nước ngoài giữa hai bên đối tác một bên là Tập đoàn NatSteel-Singapore và bên kia là Công ty Gang Thép Thái Nguyên, trụ sở và nhà máy đặt tại trung tâm Khu công nghiệp Gang - Thép Thái Nguyên, đánh dấu sự ra đời của Liên doanh thép NatSteelVina/Thép Việt-Sing. Đây là liên doanh đầu tiên về sản xuất thép xây dựng tại Việt Nam, đánh dầu cho sự mở màn và phát triển của ngành thép Việt Nam sau này.
Dây chuyền đem sang Việt Nam lúc bấy giờ gồm dây chuyền sản xuất thép cây và thép cuộn[1]. Sau thời gian lắp đặt, đến cuối năm 1995, ngày đầu tiên NatSteelVina sản xuất là chạy thử dây chuyền sản xuất thép cây. Buổi chiều ngày hôm đó, khi ông Dương Khánh Lâm - Tổng giám đốc Gang thép Thái Nguyên sang xem và có câu hỏi đặt ra là thị trường đang cần thép cuộn tại sao NatSteelVina không cho sản xuất thép cuộn? Vì tại thời điểm đó Gang Thép chỉ sản xuất được thép cây. Cuộc họp vào buổi chiều hôm đó giữa các chuyên gia và người lao động NatSteelVina đã cho chuyển sang hoàn thiện dây chuyền sản xuất thép cán cuộn và phải đến 2 năm sau thì NatSteelVina mới quay trở lại cán thép cây.
Vì là người tham gia thành lập liên doanh sản xuất thép NatSteelVina ngay từ đầu lên tôi được lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam điều động tham gia Hội đồng Quản trị của Công ty trong nhiều năm. Sau khi thành lập Liên doanh NatSteelVina, tôi cũng tham gia ký kết các hợp đồng thành lập các liên doanh sản xuất thép khác của Tổng công ty như: Liên doanh ống thép VinaPipe, Liên doanh thép VinAuSteel/Thép Việt-Úc, Liên doanh VSC-POSCO/ Thép Việt – Hàn, Liên doanh thép Vinakyoei/ Thép Việt-Nhật… Sau đó, được làm việc tại Hiệp hội Thép Việt Nam, tôi đã tiếp xúc, làm việc thêm với nhiều tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Nhưng tôi vẫn ghi nhận tác phong làm việc, cũng như tính cách của những đồng nghiệp từ Singapore là nhanh, rõ ràng, chuẩn mực đậm chất châu Âu, nhưng sự hiểu biết, am hiểu thì lại rất đậm đà văn hóa Đông Á. Những điều này khiến cho việc giải quyết các vấn đề vướng mắc rất nhẹ nhàng và hiệu quả trên phương diện biết mình biết người.
(Còn nữa)
----------------------------------------------
[1] Là toàn bộ dây chuyền MBM1 của Tập đoàn NatSteel chuyển sang.