Bài 1: Bối cảnh ngành thép trong những ngày đầu đổi mới “mở cửa” của Việt Nam giai đoạn những năm 90 của thế kỷ 20
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng quay lại thời điển những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1986, Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đặt ra chương trình “Đổi mới” nhằm cải cách toàn diện nền kinh tế và một phần trong chương trình đổi mới là mở cửa thông thương với nước ngoài. Chính sách này được cụ thể hóa bằng viêc ban hành “Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ban hành ngày 29/12/1987”. Đây là cơ sở đầu tiên cho việc thành lập các công ty liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài.
Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam 1986- tiền đề của công cuộc cải cách mở cửa đổi mới (Nguồn-daihoi13.dangcongsan.vn)
Tiếp tục duy trì con đường đổi mới, năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó vừa nhận chức vụ Thủ tướng của nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã gặp nguyên thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu và đề nghị ông Lý Quang Diệu trở thành cố vấn kinh tế cho Chính phủ Việt Nam. Tuy không chính thức nhận lời, nhưng kể từ năm 1992 đến năm 1997, ông Lý Quang Diệu đã liên tục sang Việt Nam để thảo luận về con đường phát triển kinh tế của Việt Nam mà 3 trong số nhiều lời khuyên chiến lược của ông Lý Quang Diệu để thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa phát triển nền kinh tế Việt Nam chính là: Chuyển đổi học ngoại ngữ sang tiếng Anh để tăng cường giao tiếp mở của với thế giới; Tận dụng nguồn vốn, công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý của các nước tiên tiến thông qua việc ký kết các hợp đồng hợp tác liên doanh và mở rộng kinh tế tư nhân; Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu, đường… tạo điều kiện cho thông thương.
Ông Lý Quang Diệu trong một lần làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Nguồn Quốc Việt/Tuổi trẻ)
Trong các cuộc viếng thăm và gặp gỡ của ông Lý Quang Diệu tại Việt Nam, chủ đề xuyên suốt là kinh tế, từ vĩ mô như kinh tế thị trường, các hình thái sỡ hữu doanh nghiệp, các ngành mũi nhọn và kinh tế vùng, cho đến những vướng mắc trong thủ tục đầu tư, triển khai các dự án, trao đổi tiền tệ... mà doanh nghiệp Singapore và các nước đầu tư ở Việt Nam phản ánh với ông Lý qua nhiều kênh. Ông Lý ghi nhận rằng các vướng mắc mà ông trao đổi đã được tháo gỡ, phong cách làm việc của các lãnh đạo và ban ngành trung ương của Việt Nam cũng ngày càng chuyên nghiệp hơn, trong khi bộ mặt kinh tế, xã hội quốc gia rạng rỡ lên trông thấy. Bản tin ngày 18.11.1993 trên Báo Thanh Niên về chuyến thăm của ông Lý Quang Diệu đến TP.HCM và Hà Nội từ 17-21.11 có đoạn viết: “Trong năm 1992, Singapore là bạn hàng buôn bán lớn nhất của Việt Nam với tổng khối lượng hàng hóa lên đến 1,4 tỉ USD”.