Tin tức

Gia đình Lương Văn Can và “Bảo quốc hồn, tuyết quốc sỉ” (giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước)

Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2023), chúng ta lại nhớ đến nhà chí sỹ yêu nước, danh nhân Lương Văn Can – người sáng lập, hiệu trưởng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục năm 1907 và một trong những người đã góp công rất lớn vào sự hình thành và phát triển của nghề kinh doanh trong thuở khởi đầu.

Giới doanh nhân ngày nay đều xem ông là bậc thầy về kinh doanh những năm đầu thế kỷ 20. Và Người dân Thái Nguyên luôn tự hào với truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm mà dấu ấn trong chống thực dân Pháp xâm lược là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến - con trai Lương Văn Can lãnh đạo. Bài viết mong muốn giới thiệu về 2 nhân vật lịch sử của gia đình chí sỹ Lương Văn Can.

Phần 1: Danh nhân Lương Văn Can- nhà chí sỹ yêu nước, chính là người viết ra cuốn sách dạy về nghề buôn đầu tiên ở Việt Nam

 

Chân dung nhà chí sĩ Lương Văn Can.

 

Tầm nhìn tiến bộ

Cách đây một thế kỷ, danh nhân Lương Văn Can, một người xuất thân từ Nho học đã vượt qua những rào cản, quan niệm xưa cũ về buôn bán tồn tại ngàn năm ở nước ta để viết sách về kinh doanh. Có thể nói, Lương Văn Can là người đã mở đường cho giới doanh nhân Việt Nam khi những cuốn sách viết về thương mại và thực tế kinh doanh của ông trong những năm đầu thế kỷ XX vẫn còn giá trị đến ngày nay.

 

Thục trưởng Lương Văn Can (mặc áo dài trắng) cùng các giáo viên trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Ảnh: T.L)

 

 Danh nhân Lương Văn Can (1854-1927) xuất thân trong một gia đình nghèo, mấy đời mưu sinh bằng nghề nông tại xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội).

Năm 1874, tròn hai mươi tuổi, Lương Văn Can tham dự kỳ thi hương và đỗ cử nhân. Năm sau, đến kỳ thi hội, ông chỉ vào được đến nhị trường thì dừng. Triều đình cử ông làm giáo thụ (một chức quan về giáo dục) ở phủ Hoài Đức, nhưng ông khước từ. Sau đó, người Pháp muốn Lương Văn Can vào Hội đồng Thành phố Hà Nội để làm việc, nhưng ông cũng từ chối.

Nhìn lại lịch sử, đầu năm 1906, tại số 4 Hàng Đào diễn ra cuộc họp lịch sử của những chí sĩ yêu nước nổi tiếng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Quyền, Đỗ Chân Thiết, Lương Trúc Đàm… 

Sự có mặt của Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu trong cuộc họp này chính là hai gương mặt đại diện cho hai đường lối đấu tranh ôn hòa và bạo động. Dù có những bất đồng về đường lối, song cuối cùng các chí sĩ đã thống nhất để đi đến việc thành lập một ngôi trường duy tân, mở những lớp học không thu tiền nhằm khai dân trí, nâng cao trình độ của người dân. 

Các chí sĩ đã đồng tình với nhận định: Người Việt thua Pháp vì sự lạc hậu, yếu kém về kinh tế, văn hóa, chính trị. Muốn đấu tranh giành được quyền tự chủ thì trước hết phải mở mang dân trí, tầm hiểu biết cho người dân. Khi dân trí cao, kinh tế, văn hóa cũng sẽ phát triển và đồng thời người dân sẽ nhận ra trách nhiệm của mình trước Tổ quốc. Việc chấn hưng giáo dục nên làm trước nhất để nhanh chóng khắc phục sự yếu kém của người Việt, bồi dưỡng những nhân tài, nhanh chóng hội nhập với nền văn minh thế giới.

Sau khi đã hoàn toàn thống nhất, tháng 3 năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục chính thức được thành lập và khai giảng lớp đầu tiên. Lương Văn Can được bầu làm thục trưởng (hiệu trưởng). Những thành viên sáng lập trường khoảng hơn 40 người, trong đó có tên tuổi của hầu hết những danh sĩ nổi tiếng: Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Phan Chu Trinh, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học…

Trường Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương không dạy theo lối khoa cử đương thời, nghĩa là không áp dụng cách nhồi nhét kiến thức để người học học thuộc rồi đi thi ra làm quan như thông lệ xưa nay. Trường quan niệm học để lấy kiến thức, lấy sự hiểu biết và học để thực nghiệp, lấy trí thức áp dụng vào đời sống.

Trường được chia làm 4 ban: Ban Giáo dục, Ban Tu thư, Ban Cổ động và Ban Tài chính. Chữ Quốc ngữ được coi là ngôn ngữ chính cho các môn sinh trong trường, ngoài ra còn có thêm chữ Hán và Pháp văn. Đây là một ngôi trường theo mô hình của trường Kháng Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản, nơi đã đào tạo các nhà duy tân góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước phù tang. Chương trình dựa theo lối tân học Trung Hoa, Nhật Bản, dạy thể thao, toán pháp, địa dư, lịch sử, văn chương, công dân giáo dục. Ngoài ra, các tài liệu cũng lồng vào các bài giảng kêu gọi lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc.

Với khẩu hiệu "khai dân khí, chấn dân khí, hậu dân sinh", các tài liệu của trường Đông Kinh Nghĩa Thục được soạn ra cùng một mục đích: kêu gọi đồng bào đổi mới về tư duy, hướng dân chúng theo cách học thực nghiệp. Trường chia làm 8 lớp từ tiểu học tới trung học. Không những không phải đóng học phí (trừ lớp học tiếng Pháp) mà người học còn được phát giấy bút, sách vở. Người nào bận công việc ban ngày thì có thể học ban đêm.

Có thể nói gia đình Lương Văn Can đã cống hiến tất cả cho trường: nhà riêng thì được hiến cho trường học, là ký túc xá cho những học sinh nghèo; con trai con gái đều có người tham gia dạy học; ông thì vừa đảm đương chức Hiệu trưởng, vừa đảm nhiệm công việc biên tập tài liệu giảng dạy, đồng thời là "tay hòm chìa khóa" của nhà trường. Không những thế, kinh phí để duy trì các hoạt động của trường cũng có công không nhỏ của vợ ông và các cô con gái. Trường chủ trương không thu tiền học, nên kinh phí hoạt động khi đó nhờ sự đóng góp không nhỏ từ kinh doanh của gia đình cử nhân Lương Văn Can. Có lúc tình hình tài chính Đông Kinh Nghĩa Thục rơi vào tình thế cực kỳ khó khăn, cần ngay số tiền lớn để duy trì cho bộ máy ngày càng phình to, gia đình Lương Văn Can bán tiệm buôn Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang để dồn tiền cho trường học. Hiệu buôn bán được 7.000 đồng, tất cả đều sung vào công quỹ nhà trường.

Ngôi nhà số 4 phố Hàng Đào (ngoài cùng bên phải) và số 10 Hàng Đào (nhà màu trắng có 3 vòm cửa sổ) từng là nơi ở của danh nhân Lương Văn Can và địa điểm trường Đông Kinh Nghĩa Thục (Ảnh: T.L)

Cũng từ thực tế buôn bán của gia đình, Lương Văn Can nhận thấy sức mạnh, lợi ích của việc kinh doanh. Đó không chỉ dừng lại câu chuyện của một gia đình mà nhìn rộng ra là sự liên quan đến quốc gia, đất nước. Kinh tế có mạnh thì đất nước mới cường thịnh. Mà muốn kinh tế mạnh thì phải giao thương, buôn bán, mở rộng kinh doanh. Nhưng khi đó, đất nước ta vốn xuất phát từ nền văn hóa lúa nước, ngàn năm qua chỉ lấy nghề nông làm gốc với tư tưởng “dĩ nông vi bản”. Sau này, các sĩ tử chịu khó học hành để thi cử mong đỗ làm quan, nên “sĩ” đã được đề cao hơn.

Vì thế các thứ bậc trong xã hội đương thời được sắp xếp lại thành “sĩ, nông, công, thương”. “Thương” là làm ăn buôn bán, đứng cuối cùng, thậm chí có thời điểm bị rơi vào quan niệm là một thứ “mạt nghệ”, bị định danh là một “phường con buôn”.

Ngay từ thời điểm ấy, cử nhân Lương Văn Can đã nhận ra người Việt bị Pháp cai trị vì sự lạc hậu, yếu kém về kinh tế, dẫn đến bị đô hộ về chính trị, văn hóa.

Trên tờ “Thực nghiệp dân báo” thời đó, Lương Văn Can đã viết: “Đương thời buổi thế giới cạnh tranh này, các nước phú cường không đâu là chẳng đua tài thi sức ở trong trường thương chiến. Văn minh càng tiến bộ buôn bán càng thịnh đạt, buôn bán thịnh thời trong nước giàu mạnh không biết đến đâu là cùng, buôn bán suy thời trong nước nghèo yếu không biết đâu mà kể.

Cứ xem cái trình độ buôn bán một nước nào cao hay thấp, rộng hay hẹp thời xét được dân nước ấy giàu hay nghèo, văn hay dã. Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy như thế, ta há coi thường, xem thường được sao”.

Từ thực tiễn đến viết sách về kinh doanh

Ban đầu, trường Đông Kinh Nghĩa Thục được chính quyền Pháp cho phép hoạt động, nhưng về sau chúng nhận thấy đây có thể là một mối nguy đối với chế độ thuộc địa nên tháng 12/1907 buộc trường phải giải tán. Qua sự việc này, tuy không buộc tội được Lương Văn Can, nhưng chính quyền Thực dân luôn để mắt đến ông.

Năm 1913, nhân vụ ném lựu đạn tại khách sạn Hà Nội, nhà cầm quyền đã bắt giam cả trăm người, trong đó có Lương Văn Can. Ông bị kết án mười năm, lưu đày sang Nam Vang (tức Phnôm Pênh, Campuchia ngày nay). Ngày ấy, Nam Vang là trung tâm kinh tế, xã hội của đất nước Campuchia, một vùng đất cũng nằm dưới sự đô hộ của chính quyền Thực dân.

Khi bị quản thúc nơi đất khách quê người, Lương Văn Can nhận thấy đây là một thị trường có tiềm năng giao thương, nhưng hiện chưa được quan tâm khi hàng hóa khá đơn điệu và việc buôn bán chưa phát triển. Sau khi nắm được thị hiếu khách hàng và quy luật buôn bán tại đây, Lương Văn Can liên lạc với gia đình tại Hà Nội để tìm cách đưa hàng hóa sang Nam Vang tiêu thụ.

Để tiến hành mọi việc, cụ Lê Thị Lễ, vợ của Lương Văn Can đã cử con gái là Lương Thị Trí sang Nam Vang vừa để chăm sóc cha, vừa kinh doanh. Tại đây, con gái Lương Văn Can thuê nhà, đứng tên một cửa hiệu có tên Đại Thanh, chuyên buôn hàng từ Việt Nam sang.

Khi việc buôn bán phát triển thuận lợi, cụ Lương Văn Can còn hướng mở thêm một hiệu buôn Hưng Thạnh và giao cho con dâu là Nguyễn Thị Hồng Đính (vợ chí sĩ Lương Ngọc Quyến) mới sang Nam Vang quản lý. Đây là một cửa hiệu lớn, tầng dưới bán hàng, tầng trên đóng giày và làm mũ.

Trong hiệu buôn luôn có hơn chục công nhân là con cháu các chí sĩ Cần Vương do Nguyễn Thị Hồng Đính đưa sang. Từ việc mở mang buôn bán, gia đình cụ cử Lương Văn Can có thêm nguồn tài chính dồi dào, nhưng họ không giữ cho riêng mình mà đem trợ giúp các phong trào yêu nước trong nước.

Cũng trong thời gian lưu đày ở Nam Vang, Lương Văn Can tiến hành viết hai cuốn sách “Kim cổ cách ngôn” “Thương học phương châm” nói về kinh doanh. Lật giở cuốn sách này, ông Lương Tiến cho biết “Kim cổ cách ngôn” là cuốn sách bàn về cách làm giàu để mong tìm ra một “đạo làm giàu” của người Việt Nam mà không bị cuốn vào cơn lốc làm giàu của xã hội ta thời thuộc địa.

Những phạm trù về đạo đức kinh doanh, triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nhân được danh nhân Lương Văn Can dành nhiều tâm huyết trong tác phẩm của mình. Những cách ngôn về đức tính cần kiệm, cách tạo vốn, sử dụng vốn và phương thức kinh doanh được cử nhân Lương Văn Can lựa chọn và chú giải sâu sắc trong cuốn sách.

“Thương học phương châm” là quyển sách rất đáng chú ý bởi nó không chỉ hướng dẫn tỉ mỉ về nghề thương mại đối với sự phát triển kinh tế mà còn mổ xẻ tình trạng thương mại yếu kém của nước ta thời phong kiến. Sách có những đề mục như: Tựa, tư bản, tổ chức sự kiện, tính toán, sổ sách, thư từ, thương hiệu, thương tiêu, thương địa, thương điếm, bày hàng, quảng cáo, giao tế tiếp giản, điều lệ nhà băng… Lướt qua các đề mục này, có thể nói cách đây một thế kỷ, doanh nhân Lương Văn Can đã chỉ ra các vấn đề mấu chốt của kinh doanh, mà ngày nay những vấn đề này đã trở nên thông dụng như tiếp thị, thương hiệu, kế toán, ngân hàng…

Triết lý kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can

Trong “Kim cổ cách ngôn”, Lương Văn Can viết: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy”.

Còn trong “Thương học phương châm”, danh nhân Lương Văn Can đã dẫn 10 hạn chế của đội ngũ thương nhân Việt Nam khiến thương mại của ta chưa phát triển được, đó là: “Người mình không có thương phẩm, không có thương hội, không có tín thực, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao thiệp, không biết tiết kiệm, khinh hàng nội hóa”.

Chỉ ra những điểm yếu để khắc phục, trong “Thương học phương châm”, danh nhân Lương Văn Can cũng nhìn ra “cái không khí hoàn cầu đi lại như một nhà” để phát triển kinh doanh. Đến một thế kỷ sau, khi Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, thì mọi người thêm cảm phục những điều mà ông đã viết trong cuốn sách này: “Bây giờ phong khí mở rộng, hoàn cầu đi lại như một nhà, đường bộ thì có hỏa xa, đường thủy thì có hỏa thuyền, không trung thì có tàu bay, lại thêm điện báo để thông thư tín, điện thoại để thông âm ngữ, tin tức đã mau, vận tải rất tiện, người mà thông buôn bán thì làm giàu cũng dễ”.

Sau 8 năm bị lưu đày biệt xứ, cử nhân Lương Văn Can được giảm án trước thời hạn và trở về quê hương. Khi ông về nước, những cửa hàng buôn bán tại Nam Vang vẫn được con cháu của Lương Văn Can duy trì trong những năm sau đó. Tại Hà Nội, cử nhân Lương Văn Can mở trường dạy học Ôn Như (đây là tên hiệu của Lương Văn Can) và chuyên tâm soạn sách.

Cuốn “Thương học phương châm và Kim cổ cách ngôn” xuất bản năm 2020

Hai cuốn “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” sau khi xuất bản được mọi người biết đến, được coi là cuốn sách giáo khoa đầu tiên viết về kinh doanh. Từ những nỗ lực cổ xúy cho phát triển thương mại của danh nhân Lương Văn Can, nghề buôn bán ở nước ta đầu thế kỷ XX đã có những chuyển biến tích cực. Một tầng lớp doanh nhân mới từng bước được hình thành và thành công, tiêu biểu ở miền Bắc như “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi, “vua nghề sơn” Nguyễn Sơn Hà, còn ở miền Nam có “nhà công nghiệp” Trương Văn Bền… Những triết lý kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can được đề cập trong “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học phương châm” được đề cao khi chúng vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, đặc biệt với độ mở của nền kinh tế hội nhập Quốc tế như hiện nay của Việt Nam. Vì lẽ đó, hai cuốn sách này được xuất bản năm 2020 và năm 2021 lại được tái bản, nhắc đến danh nhân Lương Văn Can với những đóng góp to lớn của ông đối với giới doanh nhân Việt Nam.

Công cuộc Duy tân - Canh tân, mong muốn đất nước hội nhập với văn minh Á -Âu đầu thế kỷ XX để “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh”, đánh đuổi thực dân Pháp, xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh sánh cùng các cường quốc trên thế giới chính là một cuộc cách mạng lớn về văn hóa do các sĩ phu yêu nước khởi xướng và lãnh đạo. Nó đã thổi luồng sinh khí mới vào đời sống xã hội lúc đó đang bị trì trệ, thúc đẩy thế hệ mới học văn minh thế giới nhưng vẫn phải giữ lấy quốc hồn của văn hóa Việt. Trước ngày qua đời, Lương Văn Can thống thiết dặn lại hậu thế trong di chúc của ông “Hết thảy đồng bào xin nhớ lấy sáu chữ, ai ai cũng có một lòng ấy, đời đời cũng giữ một sự ấy… Đại Việt ta có thể mở mặt ở trên địa cầu được chăng. Sáu chữ là gì? Là: Bảo quốc hồn, tuyết quốc sỉ (giữ tinh hoa của nước, rửa nhục nước). Sáu chữ ấy thật là một cái hộ phù cứu nước rất linh, rất mạnh, không gì hơn nữa”.

Chính với tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc ấy mà Lương Văn Can đã giáo dưỡng cho các con sớm đi theo truyền thống gia đình, đem ánh sáng văn hóa thế giới và quốc hồn của dân tộc vào công cuộc canh tân, dâng hiến tuổi thanh xuân và cả gia sản cho sự nghiệp cứu nước. Ý chí và tinh thần giữ vững quốc hồn dân tộc để học tập, tiếp thu văn hóa thế giới, xây dựng đất nước giàu mạnh của Lương Văn Can và các chí sĩ đầu thế kỷ XX, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị trong công cuộc hội nhập.

      

Tên ông đã được đặt cho con đường nằm ở khu vực sầm uất bậc nhất Thủ Đô. Phố Lương Văn Can trải dài 300m trên địa giới của 2 phường Hàng Đào và Hàng Gai, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

(Còn nữa)

Giang Lê

 

 

Các tin khác

Thép Việt-Sing dự “Hội thảo nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống” 

Thép Việt-Sing dự “Hội thảo nâng cao nhận thức về hệ thống quản lý năng lượng và tối ưu hóa hệ thống” 

Đây là chuỗi các hoạt động tiếp theo, sau Hội thảo khởi động Dự án IEEP ngày 15/11/2023 vừa qua. Ngày 22/11/2023, ...
Môi trường xanh tại Thép Việt - Sing

Môi trường xanh tại Thép Việt - Sing

Thép Việt -Sing luôn làm mới mình không chỉ bởi việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn ...
Nguyễn Ngọc Khuyến: “Cân bằng nhờ gia đình”

Nguyễn Ngọc Khuyến: “Cân bằng nhờ gia đình”

Nguyễn Ngọc Khuyến có vóc dáng thư sinh, có khiếu ăn nói, lại nhiều năng khiếu như chơi bóng đá, tennis,… ...
Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 11/2023

Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 11/2023

Sáng 16/11, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 11/2023 bằng hình thức ...
02083.832.258